ao-dai-viet-nam

Tà áo dài – 1 nét đẹp văn hóa truyền thống của phụ nữ Việt Nam

Spread the love

Từ bao đời nay, tà áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, đó là trang phục không thể thiếu trong trong các sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc. Chiếc áo làm tô thêm nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, nét duyên dáng của người phụ nữ Á đông. Không những vậy, nó còn là hiện thân của dân tộc Việt, một vẻ đẹp mỹ miều nhưng đằm thắm, là một phần tất yếu trong mỗi phụ nữ Việt, là đặc trưng cho một quốc gia có người phụ nữ chịu thương chịu khó, luôn có đức hy sinh.

Khi nói đến trang phục truyền thống của người Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến tà áo dài. Trải qua từng thời kỳ, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của quá trình phát triển lịch sử, tà áo dài Việt Nam vẫn tồn tại cùng với thời gian, được xem là trang phục truyền thống, là một biểu tượng trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Khi Hai Bà Trưng cưỡi voi đeo lọng, hình ảnh áo dài Việt Nam đã xuất hiện trong đời sống người Việt hay xuất hiện trên trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ và thạp đồng Đào Thịnh. Tà áo dài Việt đã đi cùng những năm tháng hào hùng của dân tộc, trở thành niềm tự hào, biểu tượng của người Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận. Theo từng thời kỳ cùng với những diễn biến của tiến trình lịch sử Việt Nam, tà áo dài vẫn trường tồn theo thời gian. Đây vẫn là trang phục truyền thống mang đậm dấu ấn lịch sử lâu đời của Việt Nam ngàn năm văn hiến.

Chiếc áo dài Việt Nam tượng trưng cho sự thuần khiết, bên trong chiếc áo dài tưởng như đơn giản nhưng lại chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Tà áo dài truyền thống được người Việt Nam bảo tồn qua nhiều thời kì, trân trọng để truyền lại cho thế hệ mai sau. Áo dài cũng là minh chứng cho sự thay đổi của Việt Nam, trường tồn với thời gian, trở thành quốc phục của đất nước Đã từ lâu, áo dài là một biểu tượng văn hóa gắn liền với hình tượng phụ nữ Việt Nam.

Qua nhiều thời kỳ phát triển, tà áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của những người phụ nữ Việt. Áo dài là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam bởi chứa đựng trong đó là những tinh hoa, tâm hồn, tính cách của người Việt Nam. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm nhưng đến nay, chiếc áo dài vẫn giữ nguyên giá trị trong đời sống văn hóa và tinh thần trong xã hội Việt Nam.

Nếu như người Nhật tự hào về kimono, người Hàn nổi tiếng với hanbok thì người Việt luôn được biết đến với tà áo dài duyên dáng và thướt tha. Chiếc áo dài Việt Nam tổng thể là một bộ trang phục phô mà vẫn kín, đầy tự do, phóng khoáng. Tuy vậy nhưng vẫn đảm bảo sự sang trọng, thanh lịch, trang nhã, cần thiết. Vì vậy, áo dài dễ dàng được phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, có thể sử dụng trong nhiều không gian, thời gian và sự kiện khác nhau.

Tà áo dài được thiết kế khá đơn giản. Áo dài từ cổ đến chân, cổ áo thường là cổ tròn. Thân áo gồm thân trước và thân sau dài từ bả vai xuống mắt cá chân, hai bên hông có đường xẻ từ eo xuống hết tà áo. Thân áo may sát người làm tôn lên đường cong gợi cảm của người phụ nữ. Tay áo không có cầu vai, kéo dài từ cổ áo đến cổ tay, thường được mặc kết hợp với quần đồng màu hoặc màu trắng, vàng nhạt tao nhã. Áo dài thường được may từ nhiều loại vải khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là mềm, nhẹ, thoáng mát.

Có thể thấy rằng, áo dài rất kín đáo, duyên dáng và gợi cảm, trở thành niềm kiêu hãnh của người Việt. Không chỉ là cái áo nữa – tà áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt, tạo thành sản phẩm văn hoá vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt.

Ở Việt Nam, áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi. Nó đã trở thành trang phục chuẩn mực cho những dịp đặc biệt hoặc trang trọng những ngày lễ quốc gia, lễ cưới, ngày tết, lễ tốt nghiệp hoặc trong những cuộc thi quan trọng. Khi tham dự một sự kiện đặc biệt nào đó hoặc xuất hiện trên truyền hình, áo dài luôn là trang phục được phụ nữ Việt Nam ưu tiên lựa chọn vì nó góp phần tôn lên vẻ đẹp của họ. Có thể nói rằng tà áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới.

Khi mặc áo dài, phụ nữ Việt không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch, có lẽ chính vì vậy mà áo dài – trang phục truyền thống đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng. Trên chững chuyến bay đường dài với những sự thay đổi thời tiết và khí hậu đột ngột dễ gây mỏi mệt và bực bội đối với những hành khách trên không, hình ảnh những thiếu nữ Việt xinh tươi đằm thắm trong tà áo dài chính là “linh hồn” làm dịu đi những nỗi mệt nhọc cho hành khách của chuyến bay.

Không chỉ có thế, ngày nay tại các công sở, cũng dễ dàng tìm thấy hình ảnh những phụ nữ gọn nhẹ trong tà áo dài nhưng vẫn hoạt bát nhanh nhẹn xử lý công việc thật ngăn nắp, chỉnh chu. Đúng như lời nhận xét của một chuyên gia thời trang Đông Nam Á: “Áo dài Việt Nam tạo ra sự thoải mái cho người phụ nữ. Trong khi áo dài Trung Quốc có một số hạn chế, áo dài Việt cho phép người mặc có thể hoạt động tự do và nó cũng có sức cuốn hút hơn”.

Áo dài góp phần tôn vinh nếp sống văn hóa của người Việt Nam, đó là tinh thần đoàn kết. Áo dài không chỉ đẹp mà còn mang nhiều ý nghĩa, bởi ngày nay các gia đình Việt Nam rất coi trọng sợi dây yêu thương. Áo dài là sợi dây gắn kết đặc biệt trong gia đình, nhất là những dịp sum họp gia đình.

Ý nghĩa của chiếc áo dài trong tâm trí người Việt nó như là ngôn ngữ Việt vậy: sâu, đậm, thân thuộc và đầy hãnh diện. Dù đã trải qua biết bao giai đoạn, bao thăng trầm của chiều dài lịch sử, chiếc áo dài không những là chưa bao giờ mất đi vị trí độc tôn trong lòng người Việt mà nó ngày càng mang lại sự tự hào vì nó không chỉ là trang phục mà nó còn là tác phẩm nghệ thuật.

Áo dài là một trong những hạt nhân quan trọng của văn hóa Việt, nó gói trọn ý nghĩa nhân sinh quan, tinh thần dân tộc Việt. Áo dài được sử dụng bởi mọi lứa tuổi, ở mọi nơi, là quốc phục của Việt Nam. Dù ngày nay áo dài không được sử dụng thường xuyên như trước nhưng nó luôn là lựa chọn hàng đầu của người Việt vào những dịp đặc biệt như Tết Nguyên Đán, lễ cưới, lễ tốt nghiệp, cả những cuộc thi nhan sắc trong nước và tầm cỡ quốc tế…

Ngoài ra áo dài còn là gương mặt của người Việt trên thế giới, ở những buổi lễ mang tầm quốc gia, những buổi đón tiếp các vị nội các, các vị lãnh đạo cấp cao nước ngoài viếng thăm hay những buổi lễ quốc tế có sự tham gia của người Việt đều không thể thiếu tà áo dài.

Mỗi gia đình là mỗi xã hội thu nhỏ, họ có phong cách sống, một số phong tục tư gia khác nhau. Nhưng có một điểm đã là người Việt thì không thể thiếu đó là chiếc áo dài ngày tết. Áo dài luôn là biểu tượng thể hiện không khí vui tươi, sự đoàn viên sum vầy của các gia đình Việt vào những dịp đặc biệt. Ngoài ra ý nghĩa “gia đình” của chiếc áo dài nó không chỉ là “gia đình” theo nghĩa riêng mà là nghĩa chung “gia đình Việt Nam”.

Đặc biệt vào những dịp Lễ, Tết khi bước ra đường ta thấy ai ai cũng thướt tha trong tà áo dài mới phấp phới trên phố nó làm cho ta cứ ngỡ tất cả chúng ta là người một nhà, cùng một tư duy sống. Hàng triệu người Việt hòa vào một qua tà áo dài Việt Nam.

Không phải tự nhiên mà những tà áo dài được các gia đình Việt nâng niu, ưu ái lựa chọn cho những sự kiện quan trọng của gia đình là vì chiếc áo dài không chỉ mang vẻ ngoài duyên dáng, thanh lịch, chỉ chu mà áo dài còn có những ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, về truyền thống, về chiều dài dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Áo dài là đại diện tự hào cho văn hóa, con người đất Việt. Không chỉ có giá trị thẩm mỹ về thời trang mà diện áo dài còn có công dụng là một phương thức để lan tỏa truyền thống văn hóa của người Việt đến với bạn bè thế giới. Không chỉ những du khách đến Việt Nam mới được ngắm chiếc áo dài mà cả những đất nước phương tây xa xôi cũng có sự xuất hiện của những tà áo dài.

Bởi vì “Người Việt Nam ở đâu thì tà áo dài sẽ ở đấy” đã rất nhiều năm trôi qua những kiều bào người Việt tại hải ngoại đã không ngần ngại diện những tà áo dài đặc trưng bản sắc Việt trên phố tây vào những dịp đặc biệt, quan trọng của người Việt ta.

Chính những hành động mạnh mẽ, tự hào, tự tin, trân trọng ý nghĩa của tà áo dài mà người Việt tại hải ngoại đã phần nào quảng bá được truyền thống của người Việt ta thông qua tà áo dài ở nơi “đất khách, quê người”.

Sẽ là không ngoa nếu chúng ta nói áo dài không chỉ là một bộ trang phục mà nó là một bức tranh. Áo dài khắc họa hình ảnh đời sống, con người, văn hóa, truyền thống và cả những thăng trầm trong chiều dài lịch sử Việt.

Dù nhu cầu và phong cách thời trang thay đổi theo con người của thời đại, áo dài vẫn sẽ là trang phục tượng trưng cho người phụ nữ Việt Nam mà không có một trang phục nào trong tương lai có thể thay thế được. Hình ảnh người phụ nữ Việt duyên dáng với tà áo dài sẽ mãi là sự ấn tượng sâu sắc cho du khách trong và ngoài nước. Nó luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Hơn thế, nó còn là món đồ kỉ niệm nhắc nhở những người con Việt tại nước ngoài “Dù họ là ai, họ đi đâu, họ vẫn là người Việt”.

Thấy áo dài là thấy Việt Nam!